Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực thấp là do đục thể thuỷ tinh. Theo các nghiên cứu khoa học tại Framingham Eye Study tỷ lệ người mắc bệnh đục thủy tinh thể ở tuổi 55 đến 64 là 4,5%, tỷ lệ này tăng lên 18% ở độ tuổi 65 đến 74 tuổi và cao nhất ở tuổi từ 75 đến 84 là 45,9%.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) tỉ lệ mù do đục thể thuỷ tinh tăng dần mỗi năm bất chấp những tiến bộ trong điếu trị. Năm 2002 WHO ước tính mù do đục thể thuỷ tinh là hơn 17 triệu (47,8%) trong tổng số 37 triệu người mù trên toàn tế giới.
Tại Mỹ ước tính có gần 20,5 triệu trên 40 tuổi bị đục thể thuỷ tinh (chiếm 1/6 số người trong độ tuổi này). Trong 2004 có khoảng 2,5 triệu ca mổ đục thể thuỷ tinh ở Mỹ, đạt mức 8000 ca/1000.000 dân, trong khi đó ở Trung quốc là 500 và các nước kém phát triển là khoảng 50.
Ở Đông nam á mù do đục thể thuỷ tinh chiếm 50% các loại mù. 50% người trên 60 đục thể thuỷ tinh và đạt đến 100% ở người trên 80. Nữ nhiều hơn nam.
Ảnh : Phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Yên
Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương…Tuy nhiên đục thủy tinh thể do lão hóa chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thể thuỷ tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.
Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất. Thường là nhìn mờ 1 hoặc cả hai bên. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới tầm nhìn trung tâm, bắt đầu từ việc tầm nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thuỷ tinh.
Nhìn gần tốt, nhìn xa kém : Đục thể thuỷ tinh làm tăng khả năng hội tụ của nó. Đây là lý do tại sao người một số người già bị đục thủy tinh thể đọc báo lại không cần đeo kính. Bên cạnh đó có một số người bệnh bị tầm nhìn đôi, thấy nhiều vật một lúc, hay tầm nhìn bị mờ như trong sương mù. Hiện tượng này do thuỷ tinh thể bị đục gây tán xạ tia sáng đi qua nó.
Ở một số người ra ngoài sáng thì nhìn kém nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn. Đó là trường hợp đục thể thuỷ tinh trung tâm khi ra nắng sáng thì đồng tử co nhỏ lại, ánh sáng tới được võng mạc do đi qua đúng vùng trung tâm đục nên tối còn khi vào bóng mát đồng tử giãn ra ánh sáng vào võng mạc nhiều hơn mắt lại có cảm giác sáng hơn.
Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mắt nhìn có chấm đen, ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể không thể chữa được bằng các phương pháp nội khoa. Người ta có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh bằng các loại thuốc chống oxy hóa, Vitamin C liều cao, các thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, bệnh đục thủy tinh thể vẫn tiến triển và chỉ có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, trả lại ánh sáng cho người bệnh. Phẫu thuật đục thủy tinh thể hoàn toàn không đau đớn, không chảy máu, kết quả nhanh chóng lấy lại thị lực ngay sau mổ.
Hiện nay, Bệnh viện Mắt Phú Yên đang làm chủ kỹ thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp PHACO, tán nhuyễn thủy tinh thể bằng sóng siêu âm, hút ra ngoài bằng một đầu hút nhỏ qua vết mổ siêu nhỏ chỉ 2.2mm đem lại kết quả hoàn hảo cho người bệnh. Phiên mổ thực hiện thường quy vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Những người bệnh ở xa có thể đến vào sáng ngày có phiên mổ để nhập viện mổ về ngay trong ngày. Người bệnh ở gần bệnh viện nên đến trước 1 ngày để làm các thủ tục và xét nghiệm tránh phải chờ lâu vào phiên mổ.
Ths.Bs Nguyễn Thị Băng Sâm (Phó khoa Điều trị tổng hợp)
Địa chỉ: 124 Nguyễn Thái Học, Phường 5, Tuy Hòa, Phú Yên.
Email: bvmatpy@gmail.com
Số điện thoại: 02573.824358 - 02573.896323
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Ngày lễ, Tết, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính chỉ cấp cứu.
Cấp cứu 24/7.
Sáng: 7h - 11h30.
Chiều: 13h30 - 17h.
*Lưu ý: Thời gian nhận khám kết thúc trước khi hết giờ làm việc 15 phút.