I. HIỆN TƯỢNG XUẤT HIỆN ĐỐM NÂU TRONG MẮT LÀ GÌ ?
Nhiều bé sơ sinh có các vệt nâu hoặc xanh nhạt trên phần tròng trắng của mắt. các bớt nâu hoặc xanh này có hình dạng và kích thước không cố định, phẳng hoặc hơi nổi lên một chút trên bề mặt. Phần lớn vệt nâu ở trẻ sơ sinh do sự tích tụ sắc tố, hoặc lắng đọng sắt và sẽ nhạt dần hoặc biến mất khi trẻ lớn.
Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng xuất hiện đốm nâu trong mắt hoàn toàn vô hại, nguyên nhân xuất phát từ việc tăng hắc tố melanin ở mắt. Khi đó, chúng còn hay được gọi là tàn nhang hoặc nốt ruồi ở mắt, thường xuất hiện ở vị trí lòng trắng của mắt (kết mạc) hoặc màu mắt (mống mắt).
Ở một số trường hợp khác, đó có thể là khối u ác tính cảnh bảo cho bệnh ung thư mắt. Đây là một loại ung thư cực kỳ hiếm gặp, với tỷ lệ mắc là 5 trên một triệu người trưởng thành (theo National Organization for Rare Disorders).
Hình : Phần lớn đóm nâu trong mắt là bình thường
II. NGUYÊN NHÂN XUẤT HIỆN ĐỐM NÂU TRONG MẮT
Đối với trường hợp tăng hắc tố melanin
Một đốm nâu sẽ được tạo thành từ melanocytes. Đây cũng chính là những tế bào tạo ra melanin - sắc tố tạo màu cho da, tóc và mắt của chúng ta.
Thông thường, các tế bào hắc tố được trải đều trong mô cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng tụ lại với nhau có thể gây ra nốt ruồi hoặc tàn nhang trên cơ thể nói chung hoặc đốm nâu trong mắt nói riêng. Một người có thể có đốm nâu trong mắt bẩm sinh hoặc xuất hiện trong quá trình trưởng thành.
Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, có một mối liên kết chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với tia cực tím và sự phát triển của các đốm nâu trên cơ thể. Chính vì vậy, việc không đeo kính râm, che chắn mắt khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Đối với trường hợp ung thư mắt
Đối với các trường hợp hiếm gặp như đốm nâu là dấu hiệu cảnh báo khối u ác tính của bệnh ung thư mắt, các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, họ cho rằng chúng có thể đến từ các yếu tố như di truyền, môi trường, đột biến DNA. Rất hiếm gặp.
Đối với trường hợp khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, các đốm nâu xuất hiện trong mắt cũng có thể do yếu tố cơ địa. Ví dụ như chúng xuất hiện nhiều hơn ở người có đôi mắt sáng màu, làn da trắng, hoặc mắc chứng rối loạn nốt ruồi.
III. ĐIỀU TRỊ ĐỐM NÂU TRONG MẮT
Đối với trường hợp tăng hắc tố melanin
Nếu người bệnh bị xuất hiện đốm nâu trong mắt do tăng hắc tố melanin, các bác sĩ thường sẽ không khuyến khích loại bỏ chúng để hạn chế những biện pháp can thiệp không cần thiết làm hỏng mắt người bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ chụp hình ảnh các đốm nâu hàng năm để theo dõi, nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu ung thư.
Trong trường hợp này, các đốm nâu không ảnh hưởng tới chức năng thị giác của mắt. Người bệnh có thể phòng tránh tình trạng này bằng cách đeo kính râm, che chắn mắt cẩn thận trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Đối với trường hợp ung thư mắt
Nếu đốm nâu trong mắt là khối u ác tính, tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ bệnh mà bệnh nhân sẽ cần được điều trị bằng phương pháp xạ trị, phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc.
Trên đây là những nguyên nhân và cách khắc phục tương ứng của hiện tượng đốm nâu xuất hiện trong mắt. Đa số trường hợp xuất hiện đốm nâu đều lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, khi phát hiện mắt có tình trạng này, người bệnh không nên quá lo lắng và hãy chủ động đến cơ sở nhãn khoa thăm khám để xác định nguyên nhân và nhận lời khuyên chăm sóc mắt từ bác sĩ.
Địa chỉ: 124 Nguyễn Thái Học, Phường 5, Tuy Hòa, Phú Yên.
Email: bvmatpy@gmail.com
Số điện thoại: 02573.824358 - 02573.896323
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Ngày lễ, Tết, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính chỉ cấp cứu.
Cấp cứu 24/7.
Sáng: 7h - 11h30.
Chiều: 13h30 - 17h.
*Lưu ý: Thời gian nhận khám kết thúc trước khi hết giờ làm việc 15 phút.